Nhiều bạn thắc mắc, hem biết học sinh sinh viên nước ngoài nó học kiểu gì mà thấy “chơi thể thao nhiều hơn ngồi giải bài tập”, hẻm thấy học thêm học bớt gì trơn trọi mà ra đời vẫn giỏi. Hem biết các ĐH nước ngoài làm sao mà nhận ra đó là nhân tài mà tuyển vô hay vậy?
https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/photos/a.512668602119337.138901.511088052277392/1319081824811340/?type=3&theater
Triết lý về giáo dục ở một số nước châu Á là giáo dục khoa bảng, là “học để thi”, ngược lại với triết lý giáo dục của Unesco là (1) học để hiểu biết (2) học để làm người (3) học để làm việc (4) học để chung sống với nhau. Vì “học để thi” nên tâm lý ai cũng sẽ “thi gì học nấy”, dẫn đến chuyện học thêm dạy thêm, luyện thi…không bao giờ chấm dứt được. Và từng thế hệ học sinh mệt mỏi từ mờ sáng đến tối mịt ngồi giải ô mê tê cộng phi, 3 lọ hoá chất bị mất nhãn, đạo hàm rồi nguyên hàm, tích phân rồi phân tích… cứ như ngoài thế giới không có cái gì khác nữa. Cũng không trách các bạn được, vì các bạn phải học vậy để THI. Xưa Tony cũng vậy. Ba năm cấp 3 chưa từng cầm cái ống nghiệm hoá chất, trường có phòng thí nghiệm nhưng thầy bảo thi không ai kiểm tra cái đó, chỉ giải đề tính mol trên giấy, “học cái gì để thi mới học”. Học kỳ cuối năm 12, Tony cũng ngồi học tới 2h sáng, 5h đã thức dậy. Tuổi hoa niên của Tony với dung mạo xấu xí, 17-18 tuổi, lẽ ra phải phơi phới rạng ngời, mà mắc “giải đề luyện thi” 20/24 giờ nên nặng chỉ có 57kg, chiều cao 1m75, mặt dài như cái bơm, hai con mắt lồi ra, mụn bọc khắp nơi, lúc nào cũng ngáp. Lúc đó thấy trên tivi, tuổi hoa niên của các bạn học sinh phương Tây sao mà cao lớn đẹp đẽ quá, nhìn thích ơi là thích.
Thế giới họ cũng có thi, hem thi sao biết được ai giỏi dở. Họ có các kỳ thi SAT, ACT (cho học sinh phổ thông để vào ĐH), GMAT (thạc sĩ về kinh tế), GRE (thạc sĩ tự nhiên), hoặc tuyển vào trường luật thì có kỳ thi LSAT (Law School Admission Test) , tuyển bác sĩ thì có kỳ thi MCAT (Medical College Admission Test-sau khi đã học xong cử nhân sinh hoá, ai muốn học bác sĩ thì thi tiếp cái này).
Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là bài luận, phỏng vấn online, các trải nghiệm thực tế, công tác xã hội…để xem năng lực, khả năng ăn nói, ngoại hình, tâm sinh lý có phù hợp với trường của họ không thì mới tuyển. Đó là ĐH hàn lâm, tuyển tinh hoa. Còn ĐH ứng dụng, tuyển đại trà, tuỳ trường quyết định hình thức tuyển.
Các bạn có thể đọc thêm ở phần comment các link về các kỳ thi ở nước ngoài. Nguồn gốc của giáo dục tiên tiến là đổi mới các kỳ thi sao cho học sinh không phải vất vả vì nó, ví dụ tổ chức 6-7 lần trong năm như SAT, ACT, thi giấy bút chì hoặc thi online, uỷ quyền các trung tâm tổ chức có thu phí, học sinh có thể thi mấy lần tuỳ thích, tuỳ khả năng để cải thiện điểm (nhưng 1 số ĐH lớn không chấp nhận kết quả lần 3), và điểm này chỉ là 1 yếu tố để xét vào ĐH. Còn phải tính đến sức khoẻ, khả năng xã hội…chứ không phải toàn chữ nghĩa không mà có thể thành người hữu dụng.
Cần áp dụng các kỳ thi nước ngoài như thế này, trước hết bằng tiếng Việt, sau đó khoảng chục năm nữa thi luôn bằng tiếng Anh, để học sinh thi xong muốn đăng ký vào ĐH ở nước nào thì đăng ký. Có thoải mái như vậy, mới có chuyện học sinh sau khi học lớp 12 sẽ tiến hành nghỉ 1 năm, đi lang thang, làm đủ việc để tìm đam mê nghề nghiệp của mình (gọi là gap year), hoặc như 3 quốc gia có năng suất lao động tốt nhất thế giới hiện nay là Israel, Hàn Quốc, Singapore…họ có chương trình đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc (ví dụ nam 2 năm, nữ 1 năm…để rèn tính kỷ luật). Thi ĐH 6-7 lần/năm, thi online mới tạo cho học sinh cảm giác thoái mái, học 1 buổi đi chơi thể thao 1 buổi, thiện nguyện hay tình nguyện 1 buổi được, hoặc đi học mấy kỹ năng, thêu thùa may vá, võ thuật bơi lội, cắm hoa nấu ăn, làm mộc làm nhà… này nọ. Thi online cũng không tốn kém tổ chức, giáo viên chấm thi này nọ….
Mọi thứ hội nhập, chúng ta nên nhập mô hình giáo dục của phương Tây về mà ứng dụng. Lúc đó, ĐH Harvard sẽ phải cạnh tranh để nhận nhân tài với ĐH Cà Mau. Thế giới đã rất phẳng, công dân toàn cầu, trái đất chỉ là 1 hành tinh nhỏ xíu trong vũ trụ. Ở các nước, giáo viên còn đang lo lắng là khoảng vài trăm năm nữa, trái đất ô nhiễm, hết trong lành, giáo dục phải tạo thành tựu giúp con người đi tìm 1 hành tinh khác có thể sống được. Và học sinh các nước đang đợi tìm những bộ óc kiệt xuất như Albert Einstein (an-bơ anh-sờ-tanh). Kiến thức (fact)’chỉ là 1 phần, họ chú trọng dạy học sinh tư duy (think) như Anh Sờ-Tanh nói về giáo dục.
Chúc các bạn trẻ tìm được những Anh Sờ-Tanh thế hệ trẻ.